‘Robot’ tưới vườn và khát vọng khởi nghiệp

TTO – “Robot” tưới vườn làm thay “ông chủ” đang được nhiều nông dân sử dụng là sáng chế của ông Ngô Hùng Thắng (tỉnh Đồng Tháp). Ông Thắng bắt tay sáng tạo máy móc phục vụ nông nghiệp mà ý tưởng chính là giúp nông dân đỡ cực nhọc hơn.Robot tưới vườn và khát vọng khởi nghiệp - Ảnh 1.

Trên tay ông Thắng là “robot” tưới vườn thông minh, dù không thể thương mại hóa nhưng đánh dấu bước thành công đầu tiên vào ngày 8-9-2017 – Ảnh: NGỌC TÀI

     

Sản phẩm này có đến 19 chức năng như một sự thấu hiểu và giải quyết toàn bộ vướng mắc của nông dân. Ngoài tính năng tự động tưới vườn, “robot” còn có khả năng dự báo mưa, chống trộm, cảnh báo hư hỏng, rò rỉ điện, tự động bơm chống úng, nước cạn sẽ dừng tưới, đến khi đủ nước sẽ tiếp tục chu trình, xử lý lỗi hệ thống từ xa, dừng bơm khi trời mưa, cảnh báo nước mặn…

Cảm ơn sự thất bại

Nghỉ học khá sớm, ông Ngô Hùng Thắng (43 tuổi, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) kinh doanh mảng điện tử, viễn thông ở quê nhà. Sẵn tính nhanh nhạy, biết nắm bắt thời cơ, việc làm ăn của ông phất lên như diều gặp gió. Tuy không xuất thân phú quý nhưng ông Thắng nhanh chóng thành tỉ phú khi còn rất trẻ.

Nhưng rồi một cú “sẩy chân” làm ông mất tất cả, công ty tuyên bố phá sản, xe cộ, nhà cửa cầm cố, nợ đầm đìa. Nếm mùi thất bại ê chề, ông giật mình nhận ra bản thân đã quá tự tin dẫn đến tự mãn. “Tui cám ơn sự thất bại. Nếu cứ phất lên mãi có lẽ tui đã không có cơ hội tự nhìn lại mình, bản thân đã đi con đường cũ, lối mòn của người khác và quên mất đam mê của bản thân”, ông Thắng tâm sự.

Khi phá sản, thay vì ủ ê, chán đời, ông Thắng vực dậy tinh thần khá nhanh bằng đủ thứ nghề từ bán muối, bán mắm, bán hải sản, chạy xe mướn… Có thời điểm ông làm quần quật đến quên ăn quên ngủ. Ông cũng không buồn những lần chủ nợ đến đập phá nhà cửa, tạt sơn, chửi bới mà chỉ biết cố gắng mỗi ngày. Thấy ông tuy sa cơ nhưng vẫn kiên trì, chí thú làm ăn, các chủ nợ cũng cảm thông và đồng ý khoanh nợ.

Bao ấp ủ ông chuẩn bị thực hiện thì người mẹ của ông gặp bạo bệnh. Thời gian ròng rã nuôi mẹ ở bệnh viện thấy bà đau đớn vì bệnh thoái hóa xương, nhất là mỗi lần gượng ngồi dậy. Ông quyết định gác lại ý định ban đầu để làm ngay cho mẹ sản phẩm hai trong một – xe lăn kết hợp băng ca. Xe tự động chuyển sang tư thế nằm một cách nhẹ nhàng và ngược lại.

Chuyên môn điện tử giúp ông dễ dàng trong việc xây dựng cơ chế hoạt động cho xe nhưng những lĩnh vực như cơ khí, máy móc ông phải mày mò lại từ đầu. Thấy ông hết mua sắt thép rồi hàn tiện cả ngày lẫn đêm, nhiều người còn nghĩ ông quẫn trí, nhưng khi sản phẩm trình làng ai cũng ngạc nhiên lẫn cảm động tấm lòng hiếu thảo của ông. Nhờ chiếc xe lăn đa năng này, mẹ ông dần dần hồi phục và xuất viện. Cũng nhờ đứa con tinh thần đầu tay, ông Thắng càng tin và khao khát biến ước mơ của bản thân thành sự thật.

Đích đến là “robot” thay nông dân tưới vườn nhưng hành trình thì ông Thắng hay có những sản phẩm “ngã rẽ” thiết thân với cuộc sống, đơn cử như béc tưới vườn âm đất. “Thời gian đầu tập tành sáng chế, mảnh vườn của tía tui là trung tâm thử nghiệm và tìm ý tưởng. Tui lắp cho tía tui hệ thống tưới vườn, những béc tưới trực tiếp vô gốc cây nhưng tía tui hay vấp vào làm chúng gãy ngang, rồi tía buồn phiền. Thấy vậy tui sáng chế béc tưới âm đất. Tưới xong chúng sẽ tự thu lại xuống đất không sợ hư hao”, ông Thắng nói về những đứa con tinh thần mà không giấu sự say mê, tự hào.

Robot tưới vườn và khát vọng khởi nghiệp - Ảnh 2.

Phiên bản thứ 2 của “robot” tưới vườn đã được nhiều nhà nông ủng hộ – Ảnh: NGỌC TÀI

“Robot” tưới vườn làm thay “ông chủ”

Ông Thắng kể những ngày sau thất bại, tay chân làm gì thì cái đầu lúc nào cũng nghĩ về đam mê thực sự của bản thân. “Tui nhớ ngày nhỏ, tía má kêu đi tưới vườn tui đã nhìn mây trời và ước ao mình có cái máy tưới vườn tự động hoàn toàn, và tui quyết định bắt tay sáng chế sản phẩm này” – ông Thắng chia sẻ về ý tưởng với “robot” tưới vườn, nôm na là một sản phẩm làm thay người tất cả việc tưới tắm cho ruộng vườn.

Khi bắt tay vào làm “robot” tưới vườn, nợ nần vẫn còn vây quanh nhưng ông không hề nản chí hay lo sợ. Nói thế vì hành trình từ ý tưởng đến hiện thực không chỉ tiêu tốn tiền tỉ mà còn thất bại hết lần này đến lần khác. Để vận hành, ông đảm nhận phần cứng, còn các thiết bị phần mềm ông đặt làm từ nhiều nguồn. Ban đầu do chưa hiểu rõ nên phải nếm đắng cay, vứt bỏ những thiết bị đặt mua đắt tiền. “Không kiên trì đừng mong có kết quả. Thất bại rất nhiều lần. Bo mạch vứt sọt rác không biết bao nhiêu mà nói”, ông Thắng nhớ lại. Sau nhiều năm nghiên cứu đến ngày 8-9-2017, “robot” tưới vườn phiên bản đầu tiên ra đời, để kỷ niệm ngày đặc biệt này ông lấy luôn tên SmartViet HT-8917.

“Robot” tưới vườn của ông Thắng có kết hợp tính năng IoT (Internet vạn vật kết nối), từ đó mọi vấn đề, thông tin “robot” tưới vườn sẽ gửi về điện thoại của người dùng và máy chủ. Với vài cú “quẹt quẹt” trên điện thoại thông minh, bất kỳ nông dân nào cũng có thể vận hành, xử lý việc tưới vườn từ xa và nhanh chóng.

Muốn có tất cả trong một sản phẩm rồi ông Thắng tự nhận ra mình sai lầm vì chưa để tâm đến túi tiền của nông dân. “Sản phẩm có giá bán quá cao, không thể thương mại hóa”, ông Thắng nói. Thấy vậy, trong phiên bản thứ hai mang tên THASMART IoT 4.0, ông tìm cách giảm giá thành, ngoài ra ông còn đang hướng đến những vùng miền riêng biệt sẽ có những chức năng riêng biệt.

Đơn cử như cảnh báo nước mặn cho vùng bị xâm nhập mặn, khi “robot” tưới phát hiện nước mặn sẽ dừng tưới và báo ngay cho “ông chủ”. Hay với chủ vườn xoài thường xuyên đau đầu vì bị sương muối, bông không đậu trái, “robot” khi nhận biết có sương muối sẽ tự động tưới trên ngọn cây để loại bỏ tác nhân gây hại, kể cả khi “ông chủ” đang ngon giấc.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp – một trong những khách hàng đầu tiên sử dụng “robot” tưới vườn, thay vì nhận xét về “robot”, lại nói về việc tin vào “cha đẻ” của sáng kiến này: “Thắng chịu khó tìm tòi và nhiệt tình lắm, thường xuyên nhờ nông dân tụi tui đánh giá, góp ý, đưa ra yêu cầu những tính năng mới cho sản phẩm, chưa kể “robot” luôn được hoàn thiện, nâng cấp miễn phí. Phải có quyết tâm, đam mê lắm mới đeo đuổi đến tận bây giờ chứ ban đầu không ai nghĩ Thắng có thể làm được”.

Được nhà nông ủng hộ nhiệt tình

Ông Nguyễn Thanh Tòng (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), trồng 1ha mít Thái có sử dụng “robot” tưới vườn, nói làm nông thời 4.0 khỏe vô cùng. “Mình giao hết công việc tưới vườn cho nó. Nông dân tưới cây thì nhiều khi tưới đại chứ “robot” nó tính toán kỹ: thiếu độ ẩm mới tưới, đủ độ ẩm, nước ròng, mưa thì tự ngưng. Ruộng vườn giờ xanh tốt hơn trước mà còn hạn chế thất thoát phân bón. Đâu có nghĩ giờ làm vườn khỏe và sướng tới vậy”, ông Tòng chia sẻ.

Hiện THASMART IoT 4.0 đang được nông dân nhiều tỉnh thành như Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, TP.HCM đặt mua. Và như để ghi nhận một sáng kiến thực tế cho đồng ruộng, cho nông dân, “robot” này được tỉnh Đồng Tháp đặt hàng để hỗ trợ cho nông dân trong dự án chuyển đổi số, làng thông minh. Mới đây ông Thắng cũng được mời đến hội thảo chuyển đổi số do Sở Thông tin và truyền thông Đồng Tháp tổ chức để giới thiệu rộng rãi đến nông dân sản phẩm này, và ông Thắng cũng được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khởi nghiệp.

Leave Comments

0913 773 220
0913 773 220